Nông nghiệp Kinh_tế_Cộng_hòa_Dân_chủ_Nhân_dân_Triều_Tiên

Một ruộng lúa ở CHDCND Triều Tiên, địa hình CHDCND Triều Tiên đa phần là đồi núi nên diện tích dành cho nông nghiệp không nhiều

Nhìn chung, cho dù là một quốc gia công nghiệp nhưng nền kinh tế của CHDCND Triều Tiên lại là nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp với khoảng 20-25% cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp[11] và 2/3 tăng trưởng kinh tế CHDCND Triều Tiên đến từ đến từ lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực dễ chịu nhiều ảnh hưởng mạnh bởi thời tiết[102] điều này cho thấy quy mô nhỏ bé của kinh tế CHDCND Triều Tiên, nền kinh tế dễ chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố như thời tiết hay hỗ trợ từ bên ngoài. Trong năm 20052006, CHDCND Triều Tiên chủ trương chú trọng và tập trung vào phát triển nông nghiệp coi đây là mặt trận chủ đạo để phát triển nền kinh tế quốc dân,[55] cũng trong năm 2005, Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) đã xếp CHDCND Triều Tiên đứng hạng 10 trong sản lượng thu hoạch trái cây tươi[103] và đứng thứ 19 về sản lượng táo.[104]

CHDCND Triều Tiên được đánh giá là một trong những nước có mức độ bất ổn lương thực cao nhất toàn cầu. Thập niên 1990, khoảng 1/3 dân số nước này, trong tổng số 24 triệu dân thiếu thực phẩm tiêu dùng hay thực phẩm thiết yếu.[105] Triều Tiên cần đến 5,5 triệu tấn ngũ cốc để nuôi được số dân 24 triệu của mình nhưng những năm cao nhất vào thập niên 1990 cũng chỉ thu hoạch được khoảng 4 đến 4,5 triệu tấn[105][106] cho nên Bình Nhưỡng đã phải kêu gọi tới 40 quốc gia trợ giúp lương thực cho mình[106] và thường phải phụ thuộc vào một phần viện trợ quốc tế. Nông nghiệp CHDCND Triều Tiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đất đai cằn cỗi, thiếu phân bón và các phương tiện canh tác[72] Ở một số vùng hẻo lánh, lao động nông nghiệp ở CHDCND Triều Tiên vẫn dùng công cụ không khác gì thời xưa, với phụ nữ mang trên lưng những chiếc gùi bằng gỗ. Trong công việc đồng áng, trâu là một loại xa xỉ phẩm, máy cày là một giấc mơ.[107]

Năm 2011, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ước tính khoảng 1/4 dân số CHDCND Triều Tiên tức khoảng 6 triệu người đang rơi vào tình trạng thiếu ăn, trong số đó, gần 1 triệu người là trẻ em dưới 5 tuổi, cứ 3 trẻ em lại có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng mạn tính hoặc quá thấp còi so với tuổi, 1/3 trẻ em bị suy dinh dưỡng kinh niên hoặc quá thấp còi so với độ tuổi của mình. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cũng nhận định CHDCND Triều Tiên đang tiếp tục đối mặt với tình cảnh thiếu hụt lương thực nhất là tình trạng thiếu nghiêm trọng thực phẩm thiết yếu Đồng thời nước này dễ rơi vào khủng hoảng lương thực do bị cô lập về chính trị và kinh tế cũng như bị tác động sâu sắc bởi tình trạng biến đổi khí hậu.[82] Bình Nhưỡng từng đồng ý ngừng một phần chương trình hạt nhân - tên lửa và cho phép các thanh tra quốc tế quay lại để đổi lấy 240.000 tấn lương thực từ Mỹ, tuy nhiên, cùng tháng đó, họ lại tuyên bố thử tên lửa, và thỏa thuận viện trợ chấm dứt. Năm 2013 Liên Hợp Quốc kêu gọi viện trợ 98 triệu USD cho người dân CHDCND Triều Tiên. Mặc dù cơ quan này đã có các chương trình nhằm duy trì lương thực thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người dân CHDCND Triều Tiên trị giá 150 triệu USD, nhưng vẫn cần thêm 98 triệu USD tiền viện trợ khẩn cấp cho nước này, gần 2,4 triệu người dân Triều Tiên cần được hỗ trợ lương thực và 28% trẻ em CHDCND Triều Tiên dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng[108].

Từ những năm 1995 - 1997, CHDCND Triều Tiên đã xây dựng chiến lược kinh tế coi nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và thương mại là cuộc cách mạng hàng đầu. Năm 1999, nước này lại đưa ra "phương châm nông nghiệp hàng đầu". Nhà nước CHDCND Triều Tiên chủ trương phải phát triển nông nghiệp theo ý nguyện của nông dân và phù hợp tình hình thực tế. Triều Tiên đã tiến hành hàng loạt giải pháp, khắp cả nước ra quân thực hiện cuộc "cách mạng khoai tây", tự khai thác nguồn lương thực thay thế, khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp và cả cá nhân phát triển nghề phụ, trong đó có chăn nuôi gia súc như nuôi dê, thỏ, nuôi tằm, nuôi cá nước ngọt, nuôi hải sản... Để nâng cao mức sống của nhân dân, họ tận dụng mọi nguồn lực đất đai để trồng hoa màu, lựa chọn và phát triển cây con giống có hiệu quả kinh tế cao, trồng hai vụ hoa màu, cải tạo đồng ruộng và hệ thống tưới tiêu với quy mô lớn. Các địa phương đã mở rộng diện tích và nâng cao trình độ cơ giới hóa, thủy lợi hóa nông nghiệp nhằm tăng sản lượng lương thực. Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng được tăng cường đầu tư.[96]

Năm 2013, CHDCND Triều Tiên thực hiện cải cách nông nghiệp, các biện pháp cải cách của CHDCND Triều Tiên được Kim Jong-un đưa ra nhằm giải quyết nạn thiếu lương thực do mùa màng thất bát. Cụ thể là người nông dân CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu được bán nông sản ra thị trường. Đây là một trong những bước đi mới nhất trong chính sách cải cách nông nghiệp nhằm thúc đẩy năng suất mà Chính phủ CHDCND Triều Tiên đưa ra trong năm. Nông dân trên toàn Triều Tiên kể từ năm 2013 không còn phải đóng cho Nhà nước lượng nông sản theo định mức, thay vào đó Chính phủ CHDCND Triều Tiên chỉ yêu cầu nông dân hoàn lại một lượng sản phẩm nhất định để bù đắp cho các chi phí về hạt giống, phân bón hay nhiên liệu mà Nhà nước đã cung cấp, phần dư thừa, nếu nông dân sản xuất ra, sẽ do người nông dân toàn quyền quyết định, họ có thể giữ làm lương thực cho gia đình hay bán ra các khu chợ tư nhân[109]

Khu đồn điền hợp tác Tongbong tại miền Đông Bắc CHDCND Triều Tiên là nơi thực hiện thí điểm đã nhận được thông báo về chính sách mới, sau một thời gian các chương trình thí điểm của Chính phủ CHDCND Triều Tiên cho thấy hiệu quả, việc hợp tác của nông dân đã được áp dụng các phương pháp quản lý kinh tế mới bằng việc chia nhỏ các đội hợp tác điều đó đã tạo động lực cho việc tăng năng suất và sản xuất được nhiều hơn trước, các đội hợp tác được rút gọn từ 22 người trước đây xuống chỉ còn 7 - 8 người, với mục tiêu quản lý tốt hơn công lao động và phân phối sản phẩm lao động.[109] Tổng sản lượng vụ thu hoạch chính của năm 2012 và vụ thu hoạch sớm của năm 2013 đạt mức khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 10% so với niên vụ 2011/2012, đủ để tự túc lương thực cho người dân cả nước[110].

Canh tác

Cánh đồng nông nghiệp tại CHDCND Triều TiênTrẻ em trong một trang trại Hợp tác xã ở CHDCND Triều Tiên

Về diện tích đất canh tác, CHDCND Triều Tiên luôn thiếu lương thực triền miên từ năm này sang năm khác, theo một quan chức của Nga bởi họ không có đất để làm nông nghiệp[111][112] nhưng các chuyên gia nước ngoài cho rằng nguyên nhân làm cho tình trạng lương thực Triều Tiên ngày càng trở nên trầm trọng là do hàng loạt các chế định theo sau cuộc cải cách tiền tệ và chủ trương thắt chặt nền kinh tế thị trường của Bình Nhưỡng vào cuối năm 2009.[11] CHDCND Triều Tiên có địa hình chủ yếu là đồi núi và chỉ một phần nhỏ đất đai thích hợp cho việc trồng trọt, chiếm khoảng 17 – 18% tổng diện tích, tương đương chỉ hơn 2 triệu ha có thể trồng trọt. Trong đó có khoảng 1,4 triệu ha thích hợp để trồng các loại ngũ cốc. Ngoài ra, năng suất các loại cây trồng đang giảm sút nghiêm trọng do tình trạng cô lập của nước này khiến nguồn cung phân bónvôi thiếu hụt trầm trọng. Trong khóa họp lần thứ 13 Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 15/3/2010, đại diện Thụy Sĩ cho rằng Bình Nhưỡng cần phải cải thiện hệ thống quản lý và thực hiện các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình để tăng sản lượng lương thực và tự nỗ lực khắc phục tình hình hơn là trông đợi vào cộng đồng quốc tế.[113]

Do thiếu đất canh tác và gặp nhiều thiên tai dẫn đến CHDCND Triều Tiên cũng không thể trông đợi vào nông nghiệp canh tác tại nước mình để phát triển kinh tế dù đã đặt mục tiêu duy trì sản lương 4,3 triệu tấn ngũ cốc của năm 2008, dù vậy điều này chỉ có thể thành hiện thực nếu thời tiết năm sau tốt hơn năm trước.[102] Năm 2011, CHDCND Triều Tiên đàm phán với Nga về việc thuê khoảng vài trăm ngàn hecta đất nông nghiệp của Nga đang bỏ trống chưa sử dụng (đất nhàn rỗi) thuộc sở hữu của cả tư nhân lẫn nhà nước tại khu vực Amur, thuộc miền Đông nước Nga, có chung đường biên giới với Trung Quốc với mức giá thuê hàng năm 1,7 USD/ha. Các nhà chức trách CHDCND Triều Tiên đang lên kế hoạch cho một dự án nông nghiệp chưa từng có trước đây, sử dụng đất nông nghiệp tại Nga để trồng đậu tương, khoai tây, ngô, các loại cây trồng khác[105][111][112] và lập các trang trại chăn nuôi lấy sữa.[114]

Về mức độ ảnh hưởng từ điều kiện tự nhiên, nông nghiệp CHDCND Triều Tiên đặc biệt dễ bị ảnh hưởng từ tự nhiên nhất là ảnh hưởng do lũ lụt, hạn hán và giá rét. Hầu như năm nào, theo báo cáo, đất nước CHDCND Triều Tiên cũng gặp phải thiên tai địch họa, những tai ương liên tục tác động vào nền nông nghiệp lạc hậu của nước này, đặc biệt là những trận lũ lụt lớn năm 1995 và năm 2007 có quy mô lớn và diễn ra trên diện rộng đã ảnh hưởng mạnh đến nông nghiệp gây thiệt hại to lớn. Ảnh hưởng của thiên tai khiến CHDCND Triều Tiên mất mùa, hệ quả là thu hoạch giảm sút hoặc mất trắng dẫn đến thiếu lương thực triền miền, và tạo nguy cơ xảy ra nạn đói. Nền nông nghiệp Triều Tiên còn chịu ảnh hưởng xấu bởi tình trạng quản lý sản xuất nông nghiệp kém cũng như những chính sách của nhà nước không tạo ra động lực sản xuất cho nông dân.

Những trận lũ lụt trong tháng 7 năm 1995 được mô tả là có quy mô như trận hồng thủy trong Kinh Thánh,[115] khi lũ lụt tàn phá quốc gia này giai đoạn năm 1995-1996, đất canh tác, thu hoạch, dự trữ ngũ cốc, xã hội và cơ sở hạ tầng kinh tế đã bị phá hủy, giữa tháng bảy 30 và 18 tháng 8 năm 1995, cơn mưa xối xả đã gây ra lũ lụt tàn phá CHDCND Triều Tiên. Trong một khu vực, trong huyện Pyongsan thuộc tỉnh Bắc Hwanghae đã có lượng mưa 877 mm hay gần một mét mưa được ghi nhận chỉ trong bảy giờ, một cường độ có thể có mưa chưa từng có trong khu vực này nước dòng chảy trong sông Áp Lục chảy dọc theo biên giới CHDCND Triều Tiên/Trung Quốc, đã được ước tính khoảng 4,8 tỷ tấn trong khoảng thời gian 72 giờ, lũ lụt của cường độ này đã không được ghi nhận trong ít nhất 70 năm.[116] Các vấn đề lớn gây ra bởi lũ lụt không chỉ phá hủy đất trồng và mùa màng, mà còn mất dự trữ gạo khẩn cấp, do phần lớn lượng dữ trữ này được lưu kho dưới lòng đất, lũ lụt năm 1994 và 1995 đã phá hủy khoảng 1,5 triệu tấn dự trữ ngũ cốc,[117] và 1,2 triệu tấn (12%) sản lượng ngũ cốc đã bị mất trong lũ năm 1995[118].

Vào năm 2007, những trận lụt trong năm 2007 đã phá hủy nặng nề hơn 1/10 đất trồng trọt, trong đó có hơn 11% cánh đồng lúangô bị ngập nước hoặc cuốn trôi[119] và tính chung, nước này bị mất tới một phần tư sản lượng lương thực do các trận lũ lụt[120] và vấn đề thiếu lương thực kinh niên của nước này nay lại càng trầm trọng hơn bởi ảnh hưởng của mưa bão trong tháng 6 và 7 năm 2011, những trận bão nhiệt đới đã gây thiệt hại mùa màng, hoa màu khoảng 60.000 ha[111] thậm chí là 650.000 ha đất nông nghiệp ở tỉnh Hwanghae, miền Nam nước này đã ngập sâu trong nước[121] (trong đó hơn 20.000 ha đất nông nghiệp bị nhấn chìm và phá hủy[122]), giá các mặt hàng rau, củ quả tăng đáng kể từ 10 đến 35% do nguồn cung bị hạn chế bởi một phần diện tích trồng trọt bị ngập sâu trong nước,[121] giá các loại rau phổ biến như cải bắp, củ cải đã tăng cao gấp 3 lần, một loạt yếu tố khiến tình hình thiếu thực phẩm sẽ bi đát hơn đối với người dân. Mùa đông đặc biệt khắc nghiệt đã phá hủy mùa lúa mạchlúa mì, kế đến là bệnh lở mồm long móng ảnh hưởng đến đàn súc vật.[106]

Một binh sĩ CHDCND Triều Tiên tham gia sản xuất nông nghiệp, 1/4 quân số nước này đã được điều đi làm kinh tế

Do thiên tai lũ lụt thường xuyên, đặc biệt là trận lụt năm 2012, khiến sản lượng sản xuất ngũ cốc của CHDCND Triều Tiên gần như không đáng kể, các cánh đồng những năm vừa qua đều bị thiệt hại do thời tiết lạnh giá, nước này còn gặp phải hạn hán nặng nề vào mùa xuân, tiếp đó là những trận bão lũ lớn vào mùa hè. Theo Liên hiệp quốc, cuộc sống của hàng triệu người dân CHDCND Triều Tiên hiện vẫn rất chật vật, cho dù sản lượng lương thực của nước này có tăng. Thời tiết bất lợi cũng ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người CHDCND Triều Tiên, vào tháng 9 năm 2012, mưa lớn đã khiến hàng chục người dân nước này thiệt mạng, hàng ngàn người mất nhà cửa.[110]

Trước tình hình đó, trên danh nghĩa là đang trong tình trạng chiến tranh nhưng binh sĩ CHDCND Triều Tiên đã được lệnh giảm huấn luyện để đi cấy, dành nhiều thời gian để làm nông nghiệp, nhiều binh sĩ CHDCND Triều Tiên đã được lệnh về nông thôn tham gia cấy lúa, trồng đậu, ngô, khoai, cải bắpđậu tương, theo một chỉ thị họ được chuyển sang hoạt động canh tác vụ xuân. Cứ thứ Sáu và những ngày cuối tuần, họ phải đi trồng ngô, cải bắp, bón phân cho cây, đánh bắt cá hoặc nhặt củi đun.

Đặc biệt trong năm 2013, CHDCND Triều Tiên đã điều 1/4 quân số đi làm kinh tế với tổng cộng 300.000 người, tương đương 1/4 quân số lên đến 1,19 triệu người của Triều Tiên, được điều sang thực hiện các nhiệm vụ tái thiết kinh tế, tham gia các dự án kinh tế từ cuối tháng 8 năm 2013, số binh lính trên bao gồm khoảng 50.000 sĩ quan và 250.000 binh sĩ. Đây đều là lính chính quy và có thể quay lại chiến trường bất cứ lúc nào[123][124][125] Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên đã ra chỉ thị cắt giảm 300.000 và điều 300.000 binh sĩ này tham gia xây dựng nền kinh tế đang trên đà suy sụp,[126] thậm chí, các binh sĩ của CHDCND Triều Tiên tại khu vực phi quân sự giáp biên giới với Hàn Quốc cũng tham gia hoạt động nông nghiệp.[127]

Sản lượng

Những năm 2000-2010, tổng sản lượng ngũ cốc trung bình cao nhất đạt 4,5 triệu tấn hàng năm trong hơn một thập kỷ qua, chỉ bằng một nửa so với mức sản lượng kỷ lục trong đầu thập niên 90 của thế kỷ trước[105] những năm cao nhất cũng chỉ thu hoạch được khoảng 4 đến 4,5 triệu tấn[105][106] sản lượng lương thực nước này mỗi năm tăng khoảng 3% do sử dụng những thiết bị kỹ thuật nông nghiệp và thuốc trừ sâu cũng như phân bón dù được áp dụng khoa học kỹ thuật và tăng cường phân bón.[82]

Sản lượng ngô đã được thu hoạch tại CHDCND Triều Tiên (ảnh chụp năm 2008)
  • Năm 2004, sản lượng nông nghiệp Triều Tiên tăng 2,5% (đạt khoảng 4,25 tấn lương thực)
  • Năm 2005, sản lượng nông nghiệp đạt khoảng 4,8 triệu tấn lương thực, cũng trong năm này, có phỏng đoán cho rằng CHDCND Triều Tiên nhận được một khối lượng gạo khoảng nửa triệu đến 600.000 tấn từ Trung Quốc và Hàn Quốc và có vẻ là phần lớn trong số đều được đưa vào kho dự trữ.[10] Trung Quốc viện trợ cho CHDCND Triều Tiên 531.000 tấn, chiếm 92% tổng lượng lương thực mà thế giới viện trợ.
  • Năm 2006, sản lượng nông nghiệp là 4 triệu tấn[55] đây là năm CHDCND Triều Tiên cũng thu được một vụ mùa khá sau hai vụ mùa bội thu liên tiếp[10]
  • Năm 2007 sản lượng nông nghiệp giảm 12,1% bởi năm đó CHDCND Triều Tiên phải gánh chịu nhiều trận lụt và hạn hán, cũng trong năm, Hàn Quốc đã viện trợ 500 ngàn tấn gạo và 300 ngàn tấn phân bón hóa học cho CHDCND Triều Tiên, trước đó Bình Nhưỡng đã từ chối 500 ngàn tấn gạo viện trợ của Hoa Kỳ[120]
  • Năm 2008 sản lượng nông nghiệp CHDCND Triều Tiên tăng 10,9%[102] thu hoạch đạt 4,3 triệu tấn ngũ cốc[102] tuy vậy, nước này vẫn thiếu hụt 1,5 triệu tấn lương thực.[120]
  • Năm 2011 sản lượng nông nghiệp sụt giảm tới 3%[47] các nước phương Tây nhận định CHDCND Triều Tiên thiếu lương thực trầm trọng do mùa đông lạnh giá, thu hoạch ngũ cốc của CHDCND Triều Tiên sẽ ít hơn năm ngoái đến cả 100 ngàn tấn.[106]
  • Năm 2012, sản lượng nông nghiệp và ngư nghiệp (sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản) tăng 3,9% so với 2011 nhờ vào việc sử dụng phân bón để mở rộng và nâng cao sản lượng đây là một sự chuyển hướng mạnh về nông nghiệp,[47][65][66] ước tính sản lượng gạo của Triều Tiên đã tăng 11% so với năm 2011, trong khi sản lượng ngô tăng 10%[66]. Tổng sản lượng vụ thu hoạch chính của năm 2012 và vụ thu hoạch sớm của năm 2013 đạt mức khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 10% so với niên vụ 2011/2012[110]
  • Năm 2015 do hạn hán và nóng bức kéo dài, tổng lượng lương thực Triều Tiên giảm 9%, đạt khoảng 5,4 triệu tấn so với 5,9 triệu tấn của 2014. Đây là lần sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2010. Trong đó, lương thực quan trọng nhất là lúa, còn 1,9 triệu tấn, giảm đến 26%. Kế đến là ngô, lương thực quan trọng thứ hai, còn 2,29 triệu tấn, giảm 3%, một số loại cây chịu được hạn và nóng lại tăng sản lượng, trong đó đậu nành đạt 220.000 tấn, tăng 37%; các loại ngũ cốc như lúa miến, kê và kiều mạch đạt 156.000 tấn, tăng gấp ba lần năm trước. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc ước tính nhu cầu nhập khẩu ngũ cốc cho mùa vụ 2015-2016 ở Triều Tiên là 694.000 tấn, tuy nhiên chính phủ nước này chỉ nhập khẩu 300.000 tấn và số còn lại là thiếu hụt.[128]

CHDCND Triều Tiên cũng chú trọng vào sản phẩm nấm. Trong năm 2013, Kim Jong-un đến thăm nhà máy trồng nấm của quân đội với hàng loạt cây nấm đẹp mắt và thể hiện mong muốn nhân rộng mô hình này ra cả nước để CHDCND Triều Tiên trở thành một cường quốc về sản xuất nấm. Trở thành cường quốc nấm được cho là một trong những mong muốn của CHDCND Triều Tiên từ thời Kim Nhật Thành. CHDCND Triều Tiên cần thực hiện triệt để chỉ thị của Kim Nhật Thành - người kêu gọi đưa CHDCND Triều Tiên trở thành nước sản xuất nấm nổi tiếng thế giới bằng cách xây nhiều các trang trại trồng nấm trên khắp cả nước[129][130] Ngoài ra, tại Bình Nhưỡng còn có đặc sản là đất của bia ủ, người địa phương gọi bia là saeng-maekju. Chính phủ CHDCND Triều Tiên rất thích loại đồ uống này, tới mức vào năm 2000, họ đã mua một nhà máy bia 180 năm tuổi của Anh và lắp ráp lại chúng ở Bình Nhưỡng. Tại đây, loại bia ủ ngon mang tên Taedonggang ra đời và được ưa chuộng, coi như đặc sản.[131][132]

Nạn đói

Những sai lầm về chính sách cũng như yếu kém trong đánh giá đã khiến CHDCND Triều Tiên lâm vào nạn đói những năm 1990.[8] Theo phương Tây, nạn đói ở CHDCND Triều Tiên đã làm chết 160.000 tới 840.000 người trong thập kỷ 1990.[133] Tới năm 1999, lương thực và cứu trợ nhân đạo đã làm giảm số người chết vì nạn đói, nhưng việc CHDCND Triều Tiên tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân dẫn tới giảm sút viện trợ quốc tế. Bắt đầu từ năm 1990 khi Liên Xô và Trung Quốc đột ngột ngừng viện trợ, việc ngắt nguồn viện trợ nhiên liệu, điện và phụ tùng thay thế, nền kinh tế CHDCND Triều Tiên sụp đổ khi nhiều nhà máy phải dừng hoạt động hoàn toàn. Mùa màng giảm sút kéo theo việc chính phủ không có đủ lương thực để cung cấp cho người dân. Trong nhiều thập kỷ, người dân CHDCND Triều Tiên sống bằng ngũ cốc do nhà nước cung cấp với giá rẻ. Khoảng từ năm 1994, nguồn cung cấp này không còn nữa. Kết quả là nạn đói đã xảy ra, giết chết ít nhất 500.000 người dân CHDCND Triều Tiên trong những năm 1996-1999.[134]

Căn bếp của một gia đình nông thôn ở CHDCND Triều Tiên

Mùa xuân năm 2005, Chương trình lương thực thế giới báo cáo rằng các điều kiện gây ra nạn đói là một mối nguy hiểm và đang quay trở lại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, và chính phủ đã thông báo tập hợp hàng triệu cư dân thành phố tới giúp đỡ những người nông dân.[135][136] Năm 2008, khoảng 6,5 triệu người trong tổng số 23 triệu dân CHDCND Triều Tiên không đủ ăn. Khoảng 37% số trẻ em tại CHDCND Triều Tiên bị suy dinh dưỡng và một phần ba các bà mẹ đang nuôi con bị suy dinh dưỡngthiếu máu.[120] Các chuyên gia nước ngoài phân tích, nguyên nhân làm cho tình trạng lương thực miền Bắc ngày càng trở nên trầm trọng là do hàng loạt các chế định theo sau cuộc cải cách tiền tệ và chủ trương thắt chặt nền kinh tế thị trường của Bình Nhưỡng vào cuối năm 2009.[11]

Trong năm 2007, giá cả các thực phẩm thiết yếu tại CHDCND Triều Tiên đã tăng gần như gấp ba lần, giá lương thực thực phẩm tăng vọt, tiền mua gạo vài ngày chiếm tới một phần ba mức lương trung bình của người dân. Thịt lợn, khoai tây, trứng là những sản phẩm xa xỉ tại CHDCND Triều Tiên[120] có thêm nhiều người chặt cây trên đồi để trồng bắp hoặc khoai tây. Theo phương Tây, có những người đi tìm rễ cây hoặc các loại cỏ để ăn, người ta phát hiện ra nhiều trẻ em đang bị nạn đói tấn công, và lần đầu tiên, quân đội cũng bị đói.[137]

Vào khoảng tháng 9 năm 2005, CHDCND Triều Tiên từ chối nhận những viện trợ lương thực từ bên ngoài vì tuyên bố đã có thể tự lập. Trong mười năm, các cơ quan viện trợ quốc tế đã phải vật lộn để tiếp cận với một trong những xã hội khép kín và mang tính bí mật nhất thế giới. Ngay cả khi nạn đói lên đến đỉnh điểm, họ vẫn bị hạn chế nghiêm ngặt và không được phép vào nhiều khu vực lớn ở nước này.[138] Theo Tổ chức Ân xá quốc tế cáo buộc thì người dân CHDCND Triều Tiên phải ăn cả cỏ dại, vỏ và rễ cây[139][140][141] để sống qua ngày. Trong khi chính phủ CHDCND Triều Tiên không còn khả năng cung cấp đủ lương thực cho dân chúng nhưng họ vẫn đang từ chối hợp tác toàn diện với cộng đồng quốc tế để nhận viện trợ lương thực.[139]

Hoa Kỳ từng viện trợ cho Triều Tiên về thực phẩm kể từ khi CHDCND Triều Tiên gặp nạn đói trong thập niên 1990. Chương trình này bị ngưng hẳn vì có nhiều nguồn tin nói hàng viện trợ đã được giao cho bộ đội hoặc thành phần chính trị ưu tú của CHDCND Triều Tiên. Chuyến viện trợ gần nhất vào năm 2009 đã bị hủy sau khi CHDCND Triều Tiên không chịu cho các quan sát viên nói tiếng Triều Tiên theo dõi việc phân phối thực phẩm.[142] Từ năm 2009, Mỹ đã hoãn các chuyến hàng viện trợ lương thực cho CHDCND Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng bắt đầu khước từ nhận hàng viện trợ giữa lúc xảy ra căng thẳng về chương trình hạt nhân và có mối lo ngại rằng nguồn cung cấp này không đến tay những người cần nhất nhưng rồi vào tháng 3 năm 2012, Bình Nhưỡng đã đồng ý cho ngừng một phần chương trình hạt nhân và tên lửa, đồng thời chấp nhận cho các thanh sát viên hạt nhân trở lại nước này để đổi lấy 240.000 tấn hàng viện trợ của Mỹ[82]

Kể từ cuối thập niên 1990, nạn đói được đẩy lùi do sản lượng nông nghiệp tăng trở lại. Chương trình Lương thực Thế giới báo cáo rằng: dù suy dinh dưỡng và thực phẩm thiếu thốn là khá phổ biến tại CHDCND Triều Tiên, nhưng người dân ở đây đã không còn bị nạn đói đe dọa[143] Theo con số của Chương trình Lương thực Thế giới, năm 2013 CHDCND Triều Tiên đã nhập kho khoảng 5,93 triệu tấn lương thực và năm 2014 là 5,94 triệu tấn, đủ để cung ứng nhu cầu cơ bản của người dân. Nguyên nhân vụ thu hoạch kỷ lục xuất phát từ đường lối đúng đắn của ban lãnh đạo mới khi đề ra chủ trương thay đổi trong quản lý nông nghiệp từ năm 2012[144] Bilai Dersa Gaga, Phó văn phòng đại diện Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) tại Bình Nhưỡng đã khẳng định CHDCND Triều Tiên không có nạn đói trong bài phỏng vấn với hãng thông tấn Itar-Tass. Ông nhấn mạnh: "Ở Triều Tiên có nơi gặp tình trạng thiếu hụt lương thực nhưng tuyệt đối không có dấu hiệu của nạn đói". Ông Bilai cho biết, truyền thông phương Tây thường sử dụng các "nguồn tin giấu tên" khi đề cập đến nạn đói ở CHDCND Triều Tiên, những dữ liệu vốn không đáng tin cậy đồng thời khẳng định nhân viên FAO khi khảo sát tình trạng nông thôn CHDCND Triều Tiên không phát hiện ra dấu hiệu nạn đói[145]